Giỏ hàng

Hướng dẫn toàn tập về Máy Bơm Tăng Áp

Tổng hợp kiến thức đầy đủ và chi tiết về các loại máy bơm tăng áp sử dụng trong gia đình

  • Bài viết được tổng hợp hầu hết thông tin về tất cả các loại máy bơm tăng áp sử dụng trong gia đình nên khá dài, chúng tôi đã cố gắng chia ra từng phần để người đọc có thể tìm được phần thông tin mình cần một cách nhanh nhất.
  • Ngoài ra, TGD cũng tư vấn miễn phí qua hotline cho tất cả mọi người về máy bơm tăng áp, nếu bạn cần tư vấn ngay xin hãy liên hệ:

Máy bơm tăng áp là gì?

  • Máy bơm tăng áp ( một số nơi gọi là máy bơm áp lực) là loại máy bơm nước có chức năng tự động bật / tắt khi người sử dụng mở / đóng vòi nước. Máy bơm tăng áp có tác dụng làm cho dòng nước chảy ra mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dùng.
  • Trong catalogue dịch từ tiếng Anh, máy bơm tăng áp được gọi là máy bơm tự động (Automatic Pump).

Máy bơm áp thường được lắp và sử dụng ở một số vị trí trong gia đình như:

  • Máy bơm tăng áp tổng, làm cho toàn bộ các vòi nước trong nhà mạnh hơn.

Máy bơm này sử dụng tăng áp cho toàn bộ hệ thống nước trong nhà. Máy bơm được lắp ở đầu cấp nguồn nước, ví dụ như ở đầu ra téc nước, bể chứa. Máy bơm hút nước từ téc và bơm đến toàn bộ các vòi nước sử dụng trong nhà như vòi rửa, sen tắm, bình nóng lạnh…

  • Máy bơm tăng áp khu vực, ví dụ 1 phòng tắm,hay phòng trọ.

Máy bơm sẽ được lắp để tăng áp cho đường cấp nước chính vào phòng tắm đó.

Bơm áp máy giặt, bình nóng lạnh hoặc dùng cho 1 vòi nước

Máy bơm sẽ được lắp ở đầu đường nước cấp vào thiết bị đó. Ví dụ ở bình nóng lạnh thì lắp ở đầu nước lạnh cấp vào bình.

Máy bơm tăng áp cho hệ thống nước có bình đun nước nóng năng lượng mặt trời, hoặc heatpump.

  • Trong gia đình có sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, do ống năng lượng mặt trời không chịu được áp lực cao nên không thể lắp máy bơm đẩy áp vào ống, lúc này phải lắp bơm hút nước từ bình nước nóng năng lượng mặt trời và cấp xuống thiết bị.
  • Và ngoài ra để tăng áp cho đường nước lạnh cấp xuống, cần phải lắp cả bơm áp cho bên đường nước lạnh đi xuống thiết bị.
  • Do đó, với nhà có sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thì hệ thống bơm tăng áp đầy đủ cho cả nhà sẽ bao gồm 2 máy bơm tăng áp, 1 bơm áp nước lạnh riêng và 1 bơm áp nước nóng riêng.

Phân loại máy bơm tăng áp gia đình:

Phân loại máy bơm tăng áp theo đặc điểm cấu tạo:

Dựa vào đặc điểm cấu tạo và nguyên lý hoạt động, hiện nay trên thị trường phổ biến có 4 loại máy bơm tăng áp:

Máy bơm tăng áp cơ:

Về cấu tạo, máy bơm tăng áp cơ bao gồm 1 động cơ máy bơm được tích hợp thêm bộ rơ le cảm biến áp suất ( Loại máy bơm này sử dụng phổ biến loại động cơ máy bơm chân không).

Ưu điểm của máy bơm tăng áp cơ:

  • Khả năng ứng dụng rộng rãi, có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu sử dụng trong gia đình.
  • Giá rẻ, đa dạng về chủng loại và nhiều hãng sản xuất

Nhược điểm của máy bơm tăng áp cơ:

  • Máy tạo ra tiếng ồn khi hoạt động, tương đối khó chịu khi vị trí đặt máy ở trong nhà.
  • Khi bật / tắt, rơ le của máy loại má vít sẽ có tiếng tạch tạch và phát sinh tia lửa điện tạo cảm giác không an toàn.
  • Do đặc điểm cấu tạo rơ le má vít và phát sinh tia lửa điện, tạo nhiệt khi bật tắt nên rơ le máy bơm bị hao mòn theo thời gian sử dụng. Theo đánh giá chung, loại rơ le này có xác xuất hỏng hóc nhiều nhất so với các loại rơ le khác.

Máy bơm tăng áp điện tử:

  • Cấu tạo bơm tăng áp điện tử bao gồm một động cơ máy bơm được tích hợp thêm bộ rơ le cảm biến dòng chảy. ( Loại máy bơm này sử dụng phổ biến loại động cơ máy bơm ly tâm để máy chạy êm nhất)
  • Rơ le cảm biến dòng chảy được thiết kế dạng mạch điện tử nên thường được gọi là máy bơm tăng áp điện tử. Ngoài ra, trong rơ le cảm biến có 1 linh kiện chính là nam châm từ, do đó cũng thường được gọi là bơm tăng áp từ.
  • Tuy nhiên, cũng có một số bơm tăng áp điện tử sử dụng loại rơ le cảm biến dòng chảy loại chế tạo bằng lò xo, những loại bơm này rẻ tiền hơn và thường có xuất xứ Trung Quốc.

Ưu điểm của máy bơm tăng áp điện tử:

  • Máy bơm với động cơ bơm ly tâm nên chạy rất êm, rơ le điện tử lại không tạo ra tiếng kêu trong khi bật / tắt.
  • Khi ngừng chạy, máy bơm không duy trì áp suất trên đường ống nước nên an toàn hơn cho thiết bị sử dụng và đường ống.
  • Do sử dụng rơ le cảm biến dòng chảy nên nếu xảy ra trường hợp bể nước bị cạn do nguyên nhân nào đó thì máy bơm cũng không bị cháy do chạy khô.

Nhược điểm của máy bơm tăng áp điện tử:

  • Chỉ tăng áp cho thiết bị nằm thấp hơn bể chứa. Do sử dụng rơ le cảm biến dòng chảy nên máy bơm chỉ bật khi có dòng nước ban đầu chảy qua để kích hoạt rơ le.
  • Đáp ứng tăng áp cho thiết bị chậm. Trong một số trường hợp vòi nước ở xa so với máy bơm, khi mở vòi nước thì có thể phải vài giây sau áp lực nước mới bắt đầu mạnh lên.

Máy bơm tăng áp biến tần:

Cấu tạo máy bơm tăng áp biến tần bao gồm một động cơ máy bơm được tích hợp thêm bộ biến tần điều khiển hoạt động của máy bơm.

Ưu điểm của máy bơm tăng áp biến tần:

  • Biến tần điều khiển máy bơm bật / tắt và điều khiển tăng / giảm tốc độ vòng quay của động cơ. Do đó khi dùng ít thì máy bơm chạy chậm và tốn ít điện, dùng nhiều thì máy bơm chạy nhanh và tốn điện hơn.
  • Đặc điểm của máy bơm là đáp ứng lưu lượng nước theo mức độ sử dụng nhưng luôn duy trì áp lực ổn định theo mong muốn.

Nhược điểm của máy bơm tăng áp biến tần:

  • Giá máy bơm cao và ít đa dạng về chủng loại.
  • Khi lựa chọn và lắp đặt thì cần có hiểu biết về sản phẩm và kỹ thuật của máy để ứng dụng cho phù hợp
  • Trong quá trình sử dụng nếu máy phát sinh trục trặc thì việc sửa chữa cũng phức tạp và tốn kém hơn.

Máy bơm tăng áp loại tự lắp ghép:

Ngoài 3 loại máy bơm áp lực kể trên, thực tế còn một loại máy bơm áp hay được sử dụng, đó là bơm tăng áp tự lắp ghép.

Nếu ở 3 loại máy bơm tăng áp được đề cập ở trên là loại mà nhà sản xuất đã tích hợp sẵn động cơ máy bơm và rơ le tự động thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Thì ở loại bơm tự lắp ghép thợ lắp bơm sẽ lựa chọn động cơ máy bơm và bộ rơ le theo tính toán của mình và lắp vào hệ thống nước sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Nếu lắp động cơ máy bơm với rơ le cảm biến áp suất thì sẽ tạo ra máy bơm tăng áp cơ

Nếu lắp động cơ máy bơm với rơ le cảm biến dòng chảy thì sẽ tạo ra máy bơm tăng áp điện tử

Nếu lắp động cơ máy bơm với bộ biến tần thì sẽ tạo ra máy bơm tăng áp biến tần

Ưu điểm của máy bơm tăng áp lắp ghép:

  • Linh hoạt, phù hợp với những nhu cầu sử dụng riêng, đặc điểm riêng của từng gia đình
  • Giá cả hợp lý

Nhược điểm của máy bơm tăng áp lắp ghép:

  • Yêu cầu thợ lắp cần phải có kinh nghiệm và hiểu biết về sản phẩm
  • Việc lắp đặt có thể phức tạp hơn so với các loại bơm tích hợp sẵn

CÁCH LỰA CHỌN MÁY BƠM TĂNG ÁP PHÙ HỢP VỚI YÊU CẦU HỆ THỐNG

Các tiêu chí làm căn cứ lựa chọn:

Tiêu chí 1: Chọn loại máy bơm áp phù hợp nhất với mỗi phạm vi ứng dụng:

Trước hết, chọn loại máy bơm tăng áp phù hợp theo yêu cầu dựa vào một số thông tin sau đây:

  • Máy bơm tăng áp cơ có tiếng ồn nhưng dễ chọn, giá rẻ sử dụng được trong nhiều điều kiện thực tế
  • Máy bơm tăng áp điện tử chạy êm, có chế độ bảo vệ chống chạy khô. Nhưng áp lực nước không mạnh lắm, giá khá cao và chỉ dùng được khi téc nước đặt trên mái nhà.
  • Máy bơm tăng áp biến tần chạy êm, tiết kiệm điện và hoạt động rất tốt bởi chế độ tự động điều chỉnh hoạt động theo nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên giá rất cao.
  • Về tiếng ồn động cơ: máy bơm chân không là ồn nhất, rơ le đóng mở đa số kêu tạch tạch ( máy bơm tăng áp cơ). Máy bơm ly tâm có tiếng ồn thấp hơn, tuy nhiên nếu sử dụng loại bơm ly tâm nhiều tầng cánh thì sẽ cho tiếng ồn nhỏ nhất.

Tiêu chí 2: Áp lực của máy bơm lựa chọn nằm trong khoảng từ 0,8 đến 3 kg.

  • Thực tế sử dụng trong gia đình thì áp lực máy bơm không được quá cao vì sẽ làm hỏng thiết bị và đường ống. Tuy nhiên cũng không thấp quá sẽ tạo áp lực yếu và sử dụng không thoải mái.
  • Áp lực của máy bơm tăng áp cho hệ thống nước gia đình phù hợp thường trong khoảng 1,5 kg đến 3 kg ( tương đương cột áp đẩy 15m đến 30m). Nếu như sử dụng thông thường thì áp lực đẩy máy bơm 15m là đủ. Còn nếu muốn dùng mạnh thoải mái, hoặc sử dụng thiết bị mát xa thì có thể chọn áp lực đến 30m.
  • Đối với các loại máy bơm tăng áp nhỏ như bơm tăng áp máy giặt hay bơm tăng áp bình nóng lạnh dùng điện thì áp lực chỉ vào khoảng 0,8 kg đến 1,2 kg là vừa.

Tiêu chí 3: Lưu lượng nước của máy bơm lựa chọn căn cứ theo nhu cầu sử dụng.

Nếu như thông số cột áp nằm trong khoảng lựa chọn nhỏ, thì lưu lượng nước của máy bơm sẽ thay đổi nhiều hơn, phụ thuộc vào mức độ sử dụng. Trong thực tế có thể tính toán dựa trên số lượng phòng tắm có trong nhà, hoặc số người trong nhà.

Cách chọn có thể tính như sau: Thông thường 1 vòi nước sử dụng như sen tắm, vòi rửa sẽ tiêu tốn khoảng 300 lít đến 500 lít/giờ. Nếu 1 nhà có 3 phòng tắm, 1 khu bếp thì tối đa sẽ có 4 vòi mở cùng lúc, khi đó lưu lượng nước sử dụng tối đa sẽ là 500 lít x 4 vòi = 2000 lít/ giờ.

Như vậy trong trường hợp này lựa chọn máy bơm có lưu lượng nước tối đa là 2000 lít / giờ là phù hợp.

Thực tế cách chọn một số loại bơm tăng áp gia đình:

Lựa chọn loại bơm và áp lực ( các loại bơm được lựa chọn dưới đây là bơm tăng áp gia đình nên áp lực đẩy thường không cần để ý nhiều):

+ Nhà từ 1 đến 3 tầng:

Ta có thể chọn máy bơm tăng áp cơ hoặc tăng áp điện tử ( nếu téc nước đặt trên mái nhà), có một số tình huống để khách hàng lựa chọn như sau:

  • Nếu cần máy bơm mạnh để dùng thật thoải mái thì chọn máy bơm tăng áp loại cơ, tuy nhiên lưu ý độ ồn loại này khá cao. Nếu lắp trong nhà thì có thể gây khó chịu cho người nhà. Thậm chí trong một số trường hợp loại bơm này còn gây khó chịu cho cả hàng xóm khi ở sát nhà hoặc khu tập thể.
  • Nếu chỉ cần áp lực đủ dùng thì chọn máy bơm tăng áp loại điện tử, loại này áp lực vừa phải nhưng rất êm và nhỏ gọn, dễ lắp đặt và sử dụng, đặc biệt là rơ le không kêu và ít hỏng vặt như bơm tăng áp cơ.
  • Đối với nhà thấp 1,2 tầng, có thể sử dụng máy bơm tăng áp cơ để hút nước từ bể ngầm hoặc téc nước đặt thấp và bơm trực tiếp vào vòi nước để sử dụng ( không cần dùng bể chứa đặt trên nóc nhà).

+ Nhà từ 4 đến 5 tầng:

  • Với những nhà cao 4,5 tầng thì khi thiết kế hệ thống nước cấp nên tính toán các tầng dưới như tầng 1,2,3 thì đi đường nước riêng để sau này không cần lắp máy tăng áp. Vừa đỡ tốn tiền điện lại không phải mua loại bơm công suất cao.
  • Nếu dùng bơm tăng áp tổng cho cả nhà từ tầng 1 đến tầng 4,5 thì nên dùng máy bơm tăng áp loại điện tử để tránh áp quá cao xuống tầng 1,2 làm hỏng thiết bị. Trừ trường hợp sử dụng loại sen tắm mát xa cần áp lực cao ở tầng trên thì chọn máy bơm tăng áp cơ hoặc biến tần.

+ Nhà từ 6 tầng trở lên:

  • Với những nhà cao từ 6 tầng trở lên rất cần thiết phải đi riêng đường nước cho tầng 1,2,3… vì nếu dùng chung bơm tăng áp cho cả 6 tầng thì các tầng dưới nước rất mạnh sẽ dễ làm hỏng thiết bị.

Lựa chọn lưu lượng nước của bơm cho các nhà nhiều người, nhiều phòng tắm:

Thông thường thì hầu hết các gia đình đều có thể chọn máy bơm tăng áp phổ biến như bơm tăng áp cơ 125W đến 400W, máy bơm tăng áp điện tử 200W đến 600W. Tuy nhiên với một số nhà lớn hoặc nhà nghỉ, khách sạn với số lượng phòng tắm nhiều thì phải lưu ý lưu lượng của bơm để làm sao cùng lúc có thể đáp ứng cho nhiều người dùng mà vẫn đủ nước ra tất cả các vòi.

Ví dụ nếu nhà có 6 phòng tắm, 1 khu bếp thì sẽ có tối đa 7 vòi mở cùng lúc. mỗi vòi dùng hết khoảng 500 lít/ giờ. Như vậy cần chọn máy bơm tăng áp có lưu lượng nước tối đa là 500 x 7 = 3500 lít/giờ.

Khi chọn máy bơm cần hiểu là đường ống của nhà đã đạt đúng kích thước yêu cầu. Ống đúng yêu cầu tối thiểu đường kính phải bằng đường kính đầu ống ra của máy bơm.

BƠM TĂNG ÁP THÁI DƯƠNG NĂNG

Khi lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời, đường nước trong nhà sẽ chia làm 2 đường riêng biệt cùng cấp vào thiết bị. 1 đường nước lạnh và 1 đường nước nóng riêng biệt.

Chọn máy bơm áp cho gia đình có sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời phức tạp hơn so với thông thường. Mời các bạn xem kỹ phần này nếu nhà mình có bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Thực tế lắp bơm tăng áp cho hệ thống nước sử dụng thái dương năng phức tạp hơn thông thường, thậm chí rất nhiều thợ cũng không biết.

Để chú thích, mời bạn xem ảnh những trường hợp máy bơm tăng áp lắp lắp cho nhà có sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời bên dưới.

Đây là bài viết hướng dẫn chi tiết chuyên cho máy bơm tăng áp nước nóng năng lượng mặt trời của TGD. Mời các bạn tham khảo:

Hướng dẫn chi tiết cách lựa chọn MÁY BƠM TĂNG ÁP THÁI DƯƠNG NĂNG

BƠM TĂNG ÁP MINI CHO MÁY GIẶT, BÌNH NÓNG LẠNH

  • Chọn máy bơm tăng áp cho máy giặt, bình nóng lạnh hay cho 1 thiết bị như vòi rửa có đặc điểm là nhu cầu về áp lực nhỏ để đảm bảo an toàn cho thiết bị.
  • Ngoài ra, máy bơm có kích thước càng nhỏ càng tốt để dễ lắp đặt ở mọi vị trí, thậm chí có thể treo lên cao cho gọn.
  • Máy bơm càng tiêu thụ ít điện càng tốt, càng êm càng tốt.
  • Và tất nhiên, yêu cầu đơn giản thì giá máy bơm cũng cần phải rẻ, dễ mua.

Chọn máy bơm tăng áp mini cho máy giặt, bình nóng lạnh thế nào cho hợp lý, mời các bạn tham khảo bài viết chi tiết của TGD:

Hướng dẫn chi tiết lựa chọn MÁY BƠM TĂNG ÁP mini cho MÁY GIẶT, BÌNH NÓNG LẠNH

MỘT SỐ LOẠI MÁY BƠM TĂNG ÁP PHỔ BIẾN, ĐƯỢC CHỌN MUA NHIỀU NHẤT

Những hư hỏng thường gặp của máy bơm tăng áp

Cách tự kiểm tra xác định lỗi và hướng dẫn tự điều chỉnh sửa chữa.

 

THEO NHƯ KINH NGHIỆM THỰC TẾ, TỈ LỆ MÁY BƠM TĂNG ÁP BỊ HỎNG ĐỘNG CƠ RẤT ÍT. CHỦ YẾU MÁY BƠM BỊ HỎNG RƠ LE VÀ CÁC PHỤ KIỆN.

Trong bài viết này chúng tôi chủ yếu tư vấn cho người sử dụng cách kiểm tra và phát hiện lỗi máy bơm để có thể tự chỉnh rơ le, sửa chữa những lỗi nhỏ có thể tự làm được.

Trường hợp máy bơm bị lỗi không thể tự sửa được thì bạn cũng có thể hiểu được máy bơm của mình bị hỏng ở chỗ nào.

Máy bơm tăng áp điện tử, cấu tạo chung và những hư hỏng:

  • Máy bơm tăng áp điện tử sử dụng rơ le cảm biến dòng chảy, rơ le này nằm ở đầu ra máy bơm. Loại rơ le cảm biến dòng chảy này người dùng không điều chỉnh được.
  • Trong quá trình sử dụng, có thể có trường hợp rơ le hoạt động bật tắt không ổn định, ví dụ máy không ngắt khi đóng vòi nước hay không chạy khi mở vòi nước. Với những lỗi này có thể có nguyên nhân do bị rác hoặc chất bẩn bám vào làm cản trở hoạt động của rơ le, có thể tự kiểm tra, vệ sinh sạch rơ le để sửa chữa.
  • Nếu trường hợp đã kiểm tra, sửa chữa mà không được thì nguyên nhân có thể do hỏng rơ le. Lỗi hỏng rơ le này hầu như không tự khắc phục được mà chủ yếu là thay rơ le và việc này nên để cho kỹ thuật viên thực hiện.

Máy bơm tăng áp biến tần, cấu tạo chung và những hư hỏng:

Máy bơm tăng áp biến tần là loại máy sử dụng kỹ thuật cao trong điều khiển, hầu hết các lỗi phát sinh của máy sẽ phải được kỹ thuật viên kiểm tra và sửa chữa. Nếu bạn không hiểu rõ về kỹ thuật thì chúng tôi có lời khuyên là không nên tự sửa, vì nó có thể hỏng nặng hơn.

Tuy nhiên cũng có một số nguyên nhân phát sinh lỗi không phải ở máy bơm, bạn có thể xác định 1 số lỗi bên ngoài như sau:

  • Lỗi rò rỉ đường ống: nếu đường ống bị dò rỉ nhỏ, lỗi này sẽ làm cho máy bơm chạy một chút rồi ngừng và lặp đi lặp lại như vậy. Cách tìm vị trí bị dò bạn có thể xem ở phần máy bơm tăng áp cơ bên dưới.
  • Lỗi nguồn điện không phù hợp: Bơm tăng áp biến tần có thể sử dụng nguồn điện khởi động khá cao, nếu nguồn cấp điện không đủ hoặc đường dây không đủ tiết diện có thể gây ra một số vấn đề như nhảy atomat… lỗi này cần có kỹ thuật viên kiểm tra và đưa ra phương án xử lý.

Máy bơm tăng áp cơ, cấu tạo chung và những hư hỏng:

Trong các loại bơm tăng áp thì bơm tăng áp cơ là loại hay gặp lỗi nhất, mỗi năm TGD chúng tôi tư vấn giải đáp hàng trăm trường hợp liên quan đến lỗi rơ le và phụ kiện máy bơm tăng áp cơ.

Các lỗi thường gặp ở máy bơm tăng áp cơ:

+ Khi cắm điện máy bơm tăng áp thì rơ le máy bơm đóng ngắt liên tục phát ra những tiếng kêu tạch tạch không ngừng (cả khi vòi nước đang mở hoặc khi vòi đang đóng).

+ Mặc dù đã đóng khóa vòi nước nhưng máy bơm tăng áp vẫn chạy bình thường mà không tự ngắt (lo ngại máy bơm chạy áp lực lớn quá sẽ làm vỡ vòi nước hay làm hỏng thiết bị khác).

+ Mặc dù đã mở vòi nước nhưng máy bơm tăng áp vẫn không chạy hoặc cứ chạy rồi lại ngắt đến suốt cả ruột.

+ Mặc dù không sử dụng, nhưng cứ thỉnh thoảng theo định kỳ máy bơm lại phát ra vài tiếng kêu tạch tạch, nghe rất khó chịu.

+ Và một số trường hợp khác nữa.

Các linh kiện thường gặp lỗi và biểu hiện lỗi ở máy bơm tăng áp cơ:

  • Hỏng van 1 chiều ( gioăng cao su):
  • Van 1 chiều ở máy bơm tăng áp cơ là gioăng cao su có tác dụng giữ nước không bị rò rỉ ở đầu vào máy bơm, và giữ cho nguồn nước chỉ vào máy bơm mà không chảy ngược trở lại bể chứa.
  • Van 1 chiều bằng cao su nên có thể bị rách, bị thủng sau thời gian dài sử dụng. Hoặc có thể khi lắp bị sai nên không kín.
  • Khi van 1 chiều bị lỗi máy bơm có hiện tượng chạy ngắt liên tục với tần suất bật tắt của máy bơm rõ ràng và thường kèm theo hiện tượng máy bơm bị giật mạnh khi bật tắt. Một số trường hợp lắp gần téc nước inox ta sẽ nghe rõ tiếng uỳnh uỳnh do máy bơm giật mạnh phản lại vào téc nước.
  • Khi van 1 chiều bị hỏng thì đơn giản khóa van nước lại và tháo đầu vào máy bơm ra kiểm tra và thay thế.
  • Hỏng bình áp: 

Bình áp là 1 bình nhỏ nằm trên máy bơm với kích cỡ dài khoảng 20cm và có đường kính khoảng 12 cm. Ở 1 đầu bình áp có van giống như van lốp xe máy để bơm hơi vào trong bình. Cấu tạo bình áp là 1 bình vỏ sắt, trong đó có chứa 1 quả bóng cao su được bơm đầy khí trơ vào bên trong. Bình áp có tác dụng nén hơi tạo ra độ ổn định cho áp lực nước ở đầu ra máy bơm.

Bình áp có thể bị lỗi hỏng như sau:

  • Bình áp bị hết hơi sau thời gian dài sử dụng. Cũng giống như quả bóng bay để lâu thì xẹp hơi, bình áp cũng vậy. Kiểm tra bình áp còn hơi hay không bằng cách bấm vào đầu ti van, nếu có hơi xì ra là bình vẫn còn dùng được, tuy nhiên nếu đã dùng lâu rồi thì nên bơm thêm khí vào. Nếu bình áp bị xẹp hơi thì ta có thể dùng bơm xe để bơm thêm vào đó 1 lượng hơi với mức là 1 kg. Trong trường hợp quả bóng cao su bị thủng thì không thể giữ hơi bơm vào được, lúc đó cần thay thế bình áp mới.
  • Một số loại máy bơm như panasonic bình áp không có ti van, để kiểm tra thì tháo bình áp ra khỏi máy bơm, nếu bình áp nhẹ và không có nước bên trong thì là còn dùng được, nếu bình áp nặng thì nước đã tràn vào trong bình và phải thay bình mới.
  • Khi bị hỏng, bình áp không còn tác dụng ổn định áp suất đầu ra máy bơm. Lúc này rơ le có thể hoạt động không ổn định với biểu hiện thường gặp là chạy ngắt tạch tạch liên tục, hoặc ngắt quãng sau vài giây chạy ngắt 1 lần.

Cần lưu ý là một vài trường hợp bình áp bị hỏng như máy bơm vẫn có thể hoạt động bình thường.

  • Hỏng rơ le máy bơm:

Lỗi hỏng rơ le máy bơm là lỗi phổ biến nhất trong các lỗi nêu trên, nguyên nhân là vì rơ le hoạt động đóng ngắt thường xuyên khi người dùng đóng – mở vòi nước. Ngoài ra khi đóng ngắt rơ le tạo ra tia lửa điện làm nóng tiếp điểm và lò xo nên hao mòn tự nhiên nhiều hơn.

Thông thường để kiểm tra chắc chắn rơ le có bị hỏng hay không thì trước hết phải kiểm tra và chắc chắn các linh kiện như van 1 chiều và bình áp còn tốt.

Ngoài ra việc lắp máy bơm ở phía đầu vào và đầu ra ống bị gấp khúc quá sát máy cũng có thể khiến rơ le hoạt động không ổn định.

Để kiểm tra và cũng điều chỉnh rơ le ổn định theo các bước sau:

  1. Khóa toàn bộ van xả nước
  2. Chỉnh rơ le theo chiều dấu + cho đến khi máy bơm chạy liên tục
  3. Chỉnh rơ le theo chiều dấu – cho đến khi máy bơm ngừng chạy
  4. Chỉnh tiếp rơ le theo chiều dấu – thêm ¼ đến ½ vòng để đảm bảo chắc chắn máy bơm sẽ dừng khi bơm ngừng chạy.

Như vậy là chỉnh xong rơ le. Nếu trong quá trình chỉnh rơ le mà có bước nào đó không thực hiện được thì khả năng vẫn còn trục trặc ở các linh kiện hoặc hỏng rơ le.

Những lỗi chắc chắn phải thay rơ le:

  • Rơ le bật tắt không ổn định, khi vỗ tay vào thì bơm chạy hoặc ngắt, nhưng sau đó thì lại trở về trạng thái lỗi.

Trường hợp này rơ le đã bị dão lò xo, chỉ có cách thay rơ le mới.

  • Rơ le bị dính má vít, hoặc bị gãy tiếp điểm, khi bật tắt phải dùng tô vít cậy lên mới được.

Trường hợp này rơ le hỏng nặng, rõ ràng phải thay thế.

  • Đường ống nước đầu ra máy bơm bị rò:

Lỗi hỏng rơ le máy bơm là lỗi phổ biến nhất trong các lỗi nêu trên, nguyên nhân là vì rơ le hoạt động đóng ngắt thường xuyên khi người dùng đóng – mở vòi nước. Ngoài ra khi đóng ngắt rơ le tạo ra tia lửa điện làm nóng tiếp điểm và lò xo nên hao mòn tự nhiên nhiều hơn.

Thông thường để kiểm tra chắc chắn rơ le có bị hỏng hay không thì trước hết phải kiểm tra và chắc chắn các linh kiện như van 1 chiều và bình áp còn tốt.

Ngoài ra việc lắp máy bơm ở phía đầu vào và đầu ra ống bị gấp khúc quá sát máy cũng có thể khiến rơ le hoạt động không ổn định.

Để kiểm tra và cũng điều chỉnh rơ le ổn định theo các bước sau:

  1. Khóa toàn bộ van xả nước
  2. Chỉnh rơ le theo chiều dấu + cho đến khi máy bơm chạy liên tục
  3. Chỉnh rơ le theo chiều dấu – cho đến khi máy bơm ngừng chạy
  4. Chỉnh tiếp rơ le theo chiều dấu – thêm ¼ đến ½ vòng để đảm bảo chắc chắn máy bơm sẽ dừng khi bơm ngừng chạy.

Như vậy là chỉnh xong rơ le. Nếu trong quá trình chỉnh rơ le mà có bước nào đó không thực hiện được thì khả năng vẫn còn trục trặc ở các linh kiện hoặc hỏng rơ le.

Những lỗi chắc chắn phải thay rơ le:

  • Rơ le bật tắt không ổn định, khi vỗ tay vào thì bơm chạy hoặc ngắt, nhưng sau đó thì lại trở về trạng thái lỗi.

Trường hợp này rơ le đã bị dão lò xo, chỉ có cách thay rơ le mới.

  • Rơ le bị dính má vít, hoặc bị gãy tiếp điểm, khi bật tắt phải dùng tô vít cậy lên mới được.

Trường hợp này rơ le hỏng nặng, rõ ràng phải thay thế.

  • Đường ống nước đầu ra máy bơm bị rò:
  • Khóa toàn bộ các van khóa tổng của các khu vực nếu có. Ví dụ van cấp nước tổng các tầng, van cấp nước tổng khu phụ…
  • Sau khi khóa toàn bộ van tổng mà máy bơm vẫn có hiện tượng trên thì có thể đường nước bị dò trên trục chính, vấn đề sẽ rất khó khăn khi xử lý chỗ dò nếu trục chính nằm trong tường.
  • Nếu khóa van tổng khu vực xong mà máy bơm hết lỗi thì có thể mở van khóa lần lượt từng tầng để xác định tầng nào, khu vực nào bị dò và có biện pháp kiểm tra hoặc xử lý tiếp theo.

Nếu sau khi kiểm tra, nắm được nguyên nhân lỗi do dò đường ống thì xử lý thế nào?

  • Cách tốt nhất là tìm vị trí dò và sửa lại, đây là cách xử lý tận gốc vấn đề.
  • Nếu không thể tìm được vị trí dò và không sửa được đường ống, bạn có thể tính đến việc thay loại máy bơm khác.
  • Nếu nhà có bể nước nằm trên nóc, bạn có thể thay máy bơm cơ đang dùng sang loại máy bơm điện tử. Máy bơm tăng áp điện tử có áp suất thấp hơn và khi không dùng thì không duy trì áp lực trong đường ống nên sẽ không làm cho chỗ dò rỉ to ra, không gây lãng phí nước và đặc biệt là máy bơm sẽ không chạy ngắt đến mức khó chịu.
  • Nếu nhà bạn bể nước nằm thấp hơn thiết bị sử dụng, hoặc bạn không có điều kiện thay thế máy bơm mới thì nên làm 1 cái công tắc để tắt máy bơm khi không dùng đến.
  • Thay rơ le cũ hay bị hỏng bằng bộ rơ le điện tử bền, ổn định, và không ồn:

Bạn đã quá chán với cái máy bơm tăng áp cơ cứ thỉnh thoảng lại phải thay rơ le, và rơ le thì cứ kêu cạch cạch nhức cả đầu.

Có một cách để thay rơ le với độ bền cao hơn và ít gặp lỗi hơn. Thậm chí với cách này bạn không cần quan tâm đến bình áp còn tốt hay không nữa.

Đó là bỏ rơ le cũ của máy bơm và thay bằng 1 bộ rơ le điện tử.

Rơ le điện tử là bộ rơ le cảm biến áp suất được bán sẵn trên thị trường, rơ le này không những hoạt động tốt hơn, ổn định hơn rơ le máy bơm mà nó còn có ưu điểm là không gây tiếng ồn và tự ngắt điện bảo vệ động cơ máy bơm nếu nguồn nước đầu vào bị mất.

Giá bộ rơ le điện tử ( tham khảo) khoảng 600k + công lắp 200k.

TGD chúng tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí mọi vấn đề về máy bơm nước gia đình.

Liên hệ với chúng tôi qua hotline:

  • Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót, chúng tôi mong rằng sẽ nhận được thêm sự đóng góp thực tế của người sử dụng để có thể bổ xung kịp thời. Cám ơn sự đóng góp của các bạn.
  • Có 3 cách tương tác với chúng tôi:
1. Gọi trực tiếp qua hotline: 0935651555
2. Liên hệ với chúng tôi qua fanpage: https://www.facebook.com/maybomnuocgiadinh/
3. Đặt câu hỏi ở phần comment bên dưới bài viết này
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Miễn phí vận chuyển với các đơn hàng trong nội thành Hà Nội

Với các đơn hàng sản phẩm nguyên chiếc hoặc nguyên bộ, chúng tôi miễn phí vận chuyển trong nội thành Hà Nội.

Bảo hành tại nhà với những đơn hàng do TGD lắp đặt

Khi bạn sử dụng dịch vụ lắp đặt của chúng tôi, chúng tôi sẽ hỗ trợ bảo hành tại nơi lắp đặt.

Bảo hành chính hãng

Sản phẩm tại TGD là hàng chính hãng và được bảo hành theo tiêu chuẩn của hãng

Thanh toán linh hoạt qua chuyển khoản, COD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua COD, chuyển khoản ngân hàng, và thanh toán tiền mặt.

Tìm cửa hàng
Gọi trực tiếp
Chat trên Zalo